Không chỉ huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) đảm bảo “ra lò” đạt chất lượng, Đại đội Huấn luyện - Cơ động (HL-CĐ) BĐBP tỉnh còn sẵn sàng cơ động, chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển trong mọi tình huống.
HUẤN LUYỆN GIỎI
Chúng tôi đến Đại đội HL-CĐ, BĐBP tỉnh vào những ngày khóa huấn luyện CSM nhập ngũ đợt 1/2015 sắp sửa kết thúc. Vừa hoàn thành chương trình huấn luyện ba tháng theo quy định chung của Bộ Quốc phòng, các chiến sĩ tiếp tục học nghiệp vụ công tác biên phòng, trước khi được biên chế về các đồn, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Thượng tá Phan Thành Dinh, Chính trị viên đại đội, cho biết đây là khóa huấn luyện thứ chín kể từ khi đơn vị được tái thành lập vào đầu năm 2011. Thời gian qua, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng với quyết tâm cao, ra sức khắc phục khó khăn, đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện CSM. Kết quả huấn luyện hàng năm, đơn vị đều đạt loại khá, trong đó có một số nội dung đạt loại giỏi.
Nói về kinh nghiệm huấn luyện, Đại đội trưởng, thượng úy Phan Văn Dũng chia sẻ: “Quản lý, huấn luyện CSM khó khăn hơn nhiều so với quản lý bộ đội đã qua huấn luyện. Là những thanh niên mới lớn, điều kiện, hoàn cảnh gia đình, nhận thức, trình độ học vấn khác nhau; bước vào môi trường quân đội, mọi sinh hoạt, học tập, kỷ luật đều theo nền nếp, quy định chung không tự do như ở gia đình, cộng với việc nhớ nhà, bạn bè, người thân nên CSM rất dễ nảy sinh vấn đề tư tưởng, nhất là những ngày đầu, tuần đầu. Do vậy, cán bộ chỉ huy phải thường xuyên theo sát, nắm rõ cá tính và mối quan hệ từng chiến sĩ để có biện pháp tác động phù hợp”. Theo thượng úy Phan Văn Dũng, một trong những biện pháp hết sức quan trọng trong quản lý, rèn luyện CSM là cán bộ chỉ huy đại đội, trung đội, tiểu đội thường xuyên gần gũi, thăm hỏi, động viên, nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của từng chiến sĩ ngay từ những ngày đầu nhập ngũ để xử trí linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Việc nắm bắt tư tưởng thông qua nhiều kênh, như: nghiên cứu hồ sơ; trao đổi với cán bộ nhận quân, cán bộ quân sự địa phương, gia đình; trực tiếp gặp gỡ trao đổi, quan sát, theo dõi các biểu hiện, lời nói hàng ngày của CSM trong quá trình sinh hoạt tại đơn vị… Đồng thời đơn vị phải tổ chức tốt việc thục luyện giáo án, thao trường, bãi tập, học cụ; chăm lo đời sống tinh thần cho CSM…
Với màu da sạm nắng, thân hình chắc khỏe, tác phong nhanh nhẹn, rắn rỏi hơn nhiều so với bạn trẻ cùng tuổi ngoài quân đội, chiến sĩ Trần Văn Pháp bày tỏ niềm tự hào trong giờ giải lao: “Hơn ba tháng qua, chúng tôi không chỉ được huấn luyện quân sự, học tập chính trị, mà còn tham gia phong trào văn nghệ, TDTT, tăng gia sản xuất. Đặc biệt là được tổ chức “Sinh nhật chiến sĩ”; nghe kể chuyện truyền thống về tàu Không số… Thời gian đầu nhập ngũ ai cũng bỡ ngỡ, cảm giác bị gò bó. Nhưng được sự chỉ bảo tận tình, uốn nắn cụ thể của cán bộ chỉ huy và huấn luyện từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, giờ chúng tôi đều đã quen với 11 chế độ trong ngày, ba chế độ trong tuần, thuần thục về kỹ chiến thuật, nắm vững điều lệnh quân đội... Chúng tôi rất hãnh diện khi được trở thành người lính biên phòng”.
SẴN SÀNG CƠ ĐỘNG
Hơn 2 năm trôi qua nhưng hình ảnh của những người lính biên phòng đã không ngại hiểm nguy, tham gia dập tắt đám cháy rừng ở núi Chóp Chài (TP Tuy Hòa) vẫn còn in đậm trong tâm trí những người dân nơi đây.
Trưa 21/5/2013, một tiếng nổ lớn phát ra từ khu rừng trồng ở núi Chóp Chài thuộc địa bàn giáp ranh giữa thôn Minh Đức (xã Hòa Kiến) với khu phố Thanh Đức (phường 9). Sau đó, lửa bốc cháy dữ dội; gặp gió, đám cháy lan nhanh ra diện rộng, người dân vô cùng hoang mang. Nhận được tin cần cứu hộ, theo lệnh của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Đại đội HL-CĐ và Đồn Biên phòng Tuy Hòa đã khẩn trương hành quân di chuyển đến hiện trường vụ cháy, cùng với các lực lượng tham gia chữa cháy. Do khu vực cháy nằm trên núi cao cách xa trục đường chính hơn 1km, độ dốc lớn, có nhiều mỏm đá lởm chởm, các lối đi bị nhiều dây gai giăng mắc chằng chịt; sức nóng của lửa và gió lớn khiến lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận hiện trường. Trong nắng nóng khô khốc giữa trưa hè, ngọn lửa có lúc bùng lên 5 đến 8m, cộng với gió thổi mạnh nên lan nhanh ra một diện tích rộng lớn và xuất hiện nhiều điểm cháy cùng lúc. Cán bộ chiến sĩ của đơn vị và các lực lượng tham gia chữa cháy phải phát rừng, chặt cây, dây gai để mở đường, rồi leo qua những dốc núi dựng đứng để tiếp cận khu vực cháy. Không có nước. Giữa nắng nóng hầm hập như thiêu đốt, lửa cháy rừng rực, bộ đội, dân phòng… vẫn lăn xả vào phát dọn đường ranh, xông vào chữa cháy. Nhờ đó ngọn lửa đã dần được khống chế, không còn cháy lan. “Nếu không dũng cảm, quyết tâm, không có sự lăn xả của bộ đội và lực lượng tham gia chữa cháy thì hậu quả sẽ rất khó lường”, ông Nguyễn Văn Thạch, một người dân địa phương bày tỏ.
Không chỉ tham gia chữa cháy rừng, khi triều cường hoặc bão lụt xảy ra, có lệnh là cán bộ chiến sĩ Đại đội HL-CĐ tức tốc hành quân lên đường làm nhiệm vụ. Chính hành động lăn xả giúp dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn của cán bộ chiến sĩ Đại đội HL-CĐ trong thời gian qua đã góp phần khắc họa đậm nét hình ảnh người lính mang quân hàm xanh trong lòng người dân và cấp ủy, chính quyền địa phương.
LÊ VŨ